(1923-2015)
I. THÂN THẾ
Đại lão hòa thượng Pháp chủ thế danh Nguyễn Văn Ất, tự Thành Được, sinh ngày 12 tháng 11 năm 1923 tại huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, miền Nam Việt Nam. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Hữu Hườn, pháp danh Thiện Đức. Thân mẫu là cụ bà Lê Thị Sang, pháp danh Phước Ngọc. Ông bà sống bằng nghề nông, thuần hậu, hiền lương; có 5 người con, mà ngài là con út.
Năm lên 16 tuổi (1939), ngài được gặp hòa thượng Thích Minh Phụng, cầu học giáo pháp tu học, được hòa thượng ban cho pháp danh Tánh Chơn, hiệu Minh Tâm. Từ đó đạo tâm hướng Phật mỗi ngày mỗi thêm tăng trưởng.
II. XUẤT GIA
Đầu năm 1952, ngài được gặp đức tổ sư Minh Đăng Quang, thấy Tổ dẫn đoàn du tăng thực hành Tứ Y Pháp Trung Đạo với chí nguyện Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp và nghe được Tổ thuyết pháp về Chơn Lý Đại Đồng, ngài bừng ngộ, quyết định xuất gia theo Tổ để “hành đạo cứu đời”.
Ngài được đức Tổ sư tiếp độ và ban cho pháp danh Giác Nhiên. Ngày Rằm tháng 2 năm Quý Tỵ (1953), tại tịnh xá Ngọc Viên, thị xã Vĩnh Long, ngài được Tổ trao Thập Giới Sa Di. Ngày Rằm tháng 7 năm Ất Mùi(1955), tại tịnh xá Ngọc Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, ngài được thọ Cụ Túc Giới Tỳ Kheo trở thành bậc Sa Môn phạm hạnh, pháp khí Phật pháp, thực hiện sứ mạng thiêng liêng “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”.
III. HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH
1. Hành đạo thuyết pháp
Năm 1956 và 1957, ngài cùng chư Tôn Trưởng lão đại đệ tử của Tổ sư hướng dẫn đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi hành đạo khắp các tỉnh miền Tây, sau lên miền Đông, rồi tiến ra hành đạo khắp các tỉnh miền Trung. Với giới hạnh nghiêm túc, đạo phong uy nghi, pháp âm hùng tráng như sư tử hống, chí nguyện cao cả và trái tim sáng ngời chân lý, ngài thuyết pháp cảm hóa được biết bao người tỉnh ngộ quy y Tam Bảo, và cũng tiếp độ được nhiều vị xuất gia gia nhập Tăng đoàn.
2. Thành lập Giáo đoàn
Năm 1958, tùy thuận nhân duyên để mở mang giáo pháp, chư trưởng lão tuần tự thành lập các Giáo đoàn. Sau một thời gian tịnh tu ở núi Ông Tiên gần tổ đình Thiên Thai (xã Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa), ngài hạ sơn lên đường hành đạo, hình thành Giáo đoàn Bốn (IV) hành đạo chủ yếu ở các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Phần.
3. Thành lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam
Năm 1964, ngài cùng chư tôn đức trưởng lão lãnh đạo, đại diện các giáo đoàn đồng thuận hiệp nhất đứng lên xin phép thành lập giáo hội, danh xưng là Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.
Năm 1966, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam được chính thức công nhận. Ngài được đại chúng cung thỉnh giữ ngôi vị Tổng Trị Sự Trưởng kiêm Tổng Vụ Trưởng một số tổng vụ.
Năm 1972, sau 6 năm hành hoạt, trải qua hai nhiệm kỳ, giáo hội kiện toàn tổ chức, thành lập hai viện: Viện Chỉ Đạo và Viện Hành Đạo. Trưởng lão hòa thượng Giác Tánh được cung thỉnh ở ngôi vị Tăng Chủ. Trưởng lão Giác Như và trưởng lão Giác An ở ngôi vị Phó Tăng Chủ. Đức ngài giữ chức vụ viện trưởng Viện Hành Đạo, trưởng lão Giác Lý giữ chức vụ Phó Viện Trưởng, và chư tôn giáo phẩm cùng đảm đương trọng trách.
4. Hoằng pháp hải ngoại
– Thành lập Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới Tùy thuận nhân duyên của quê hương và thế giới, hiệp với chí nguyện hoằng pháp độ sanh rộng lớn của đức ngài, nên vào khoảng tháng 10 năm 1978, đức ngài lên đường ra hải ngoại hoằng pháp. Định cư tại Nam Califonia, thành phố Westminster, Orange County (vùng thủ đô của người Việt tỵ nạn); suốt 37 năm, đức ngài không chỉ hoằng hóa trong địa phương của mình mà còn đi truyền pháp khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới. Nơi nào đức ngài đến đều để lại những dấu ấn chân truyền của bậc tôn sư trong lòng các bậc xuất gia, tại gia, các bậc nhân sĩ, lãnh đạo các tôn giáo, cộng đồng, đoàn thể, tổ chức, đồng đạo và đồng bào.
Khoảng cuối năm 1980, đức ngài đã cùng chư tôn đức tăng – ni trong truyền thống Khất Sĩ thành lập Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới và cùng đồng tâm hiệp nhất với chư tôn trưởng lão hòa thượng ở các truyền thống khác kết hợp sáng lập hình thành các tổ chức Giáo hội Phật giáo tầm vóc quốc gia và quốc tế. Đức ngài được cung thỉnh giữ các chức vụ: - Đệ Nhất Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên thế giới - Đệ Nhất Phó Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Liên Tông - Thành viên Giáo Phẩm Chứng Minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ - Chứng Minh Đạo Sư, hay Lãnh Đạo Tinh Thần hàng trăm Hội Phật Giáo, các tự viện, tu viện, tịnh xá, đạo tràng trên nhiều nơi, khắp các thành phố, các tiểu bang ở Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới.
5. Tiếp chúng độ tăng, thành lập tịnh xá, đạo tràng
25 năm hành đạo tại Việt Nam, 37 năm hành đạo tại hải ngoại, trên 60 năm tinh cần hoằng pháp phổ độ nhơn sanh, đức ngài đã khai tâm được hàng trăm ngàn người biết đạo làm người hiền sĩ tại gia quay về quy y ba ngôi Tam Bảo, học Phật tu nhơn. Đức ngài cũng đã tiếp dẫn được hàng năm bảy trăm vị tăng – ni xuất gia giải thoát, kiến lập trên 30 ngôi tịnh xá tiêu biểu ở Việt Nam, thành lập hoặc chứng minh thành lập trên 45 ngôi đạo tràng tịnh xá ở hải ngoại.
6. Hoạt động cứu tế xã hội, văn hóa, giáo dục
Song song với việc hoằng pháp, tiếp chúng, độ tăng, kiến lập tịnh xá, đạo tràng, ngài còn thực hiện các công việc từ thiện xã hội, cứu trợ nạn nhân chiến cuộc, ủy lạo, thăm viếng các bệnh nhân tại các bệnh viện, các tù nhân trong các trại lao tù, trẻ em mồ côi, cô nhi quả phụ, ủy lạo phát quà cho đồng bào nghèo khó, cấp học bổng giúp tăng – ni sinh du học các nước, không phân biệt tông môn trường phái. Hướng dẫn đoàn hành hương nhiều lần tham quan các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam, các nước Đông Nam Á, thăm các trại tỵ nạn cũ, tổ chức các trai đàn siêu độ và thiết lễ cúng dường hàng ngàn tăng để cầu nguyện quốc thới dân an và hòa bình cho thế giới.
7. Tác phẩm
Ngoài các công việc hoằng pháp, xã hội, giáo dục, ngài còn biên soạn hoặc trước tác các tác phẩm:
- Về nghi lễ: Nghi Thức Tụng Niệm, về y học: các bài thuốc tiên, thuốc Phật. - Về Pháp Bảo: Tái bản trên 10 lần quyển Chân Lý Đại Đồng của tổ Minh Đăng Quang, mỗi lần ba bốn ngàn cuốn, in ấn tái bản các kinh, luận, sử, truyện của nhà Phật và trước tác khoảng 30 cuốn sách như Ánh Nhiên Đăng, Pháp Môn Tọa Thiền, Tấm Lòng Người Hiếu Tử, Thương Nhớ Mẹ Hiền, Bảo Kệ, Pháp Kệ, Trai Giới Trường Sinh, Tư Tưởng Siêu Nhân, Diệu Lý Đông Phương, Diệu Lý Pháp Đăng, Diệu Lý Bảo Đăng, Diệu Lý Nhiên Đăng, Diệu Lý Thiền Định, Diệu Lý Tĩnh Tâm, Diệu Lý Bát Nhã, Diệu Lý Phá Mê, Diệu Lý Minh Quang, Diệu Lý Tâm Kinh, Diệu Lý Các Bộ Kinh, Diệu Lý Viên Thông v.v….
IV. HẠNH NGUYỆN VIÊN MÃN
Sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Đức Đại Lão Hòa Thượng Pháp Chủ trải dài hơn 60 năm khắp năm châu bốn biển. Chỉ với mãnh y vàng và bình bát đất do Tổ sư trao truyền, ngài đã làm tròn hạnh nguyện cao cả của một bậc thượng sĩ xuất trần, của một nhà sư Khất Sĩ phạm hạnh, bình đẳng, của một bậc thầy lớn, là thạch trụ tòng lâm. Rồi để đến đúng ngày Thành Đạo của đức bồ tát Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6 năm Ất Mùi, tức ngày 3 tháng 8 năm 2015, lúc 22 giờ 30 phút, ngài thu thần nhập diệt, xả bỏ báo thân, nhập vào pháp thân Tỳ Lô Giá Na của ba đời chư Phật, để lại cho thế gian một dấu ấn của sự viên thành Phật đạo, để lại trong lòng hàng trăm ngàn tín đồ, pháp tử, đệ tử, đồng đạo, đồng hương một tấm gương sáng ngàn đời với biết bao niềm kính thương vô biên vô hạn.
Đức thầy ngọn đuốc từ quang
Một bừng lên, sáng muôn ngàn thiên thu
Nối ngàn xưa, tiếp ngàn sau…
Nhất tâm kính lễ ân sư, Đại Lão Hòa Thượng thượng Giác hạ Nhiên, cố Pháp Chủ, lãnh đạo tối cao Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới thùy từ minh chứng.
Cung kính phụng soạn.